Nếu Con bị F0 - bố mẹ lưu ý điều trị như thế nào?

Khi đủ điều kiện cơ sở vật chất để điều trị tại nhà, người mắc COVID-19 phải lưu ý những việc không được làm. Đặc biệt, lưu ý chăm sóc trẻ em là F0 điều trị tại nhà. Bởi cơ thể trẻ chưa ổn định như người lớn, các chỉ số SpO2, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp có thể thay đổi thất thường. Hơn nữa, trẻ chưa có đầy đủ nhận thức về sức khỏe, chưa thể nói về những dấu hiệu bất thường bên trong cơ thể.

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh (Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho biết những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ diễn tiến nặng như bú kém, nôn ói, không tỉnh táo, khó thở, co giật. Trẻ sốt cao, đau họng, đỏ mắt, đỏ môi, lưỡi đỏ như trái dâu tây, tay chân sưng phù, phát ban...

Phụ huynh cần cập nhật thường xuyên các chỉ số nhịp thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp và SpO2 (nếu có) cho con. Trường hợp phát hiện trẻ có nhịp thở nhanh: trên 40 lần/ phút với nhóm 1-5 tuổi và trên 30 lần/phút với nhóm 5-12 tuổi; hoặc SpO2 dưới 95% (ở tất cả nhóm tuổi), nên báo ngay cho nhân viên y tế.

Khi con có dấu hiệu sốt trên 38,5 độ, cho uống thuốc hạ sốt paracetamol. Tính liều uống theo cân nặng của trẻ, liều cụ thể được khuyến cáo là 10-15mg/kg/lần, lặp lại sau 4-6 tiếng, không quá 4 lần/ngày.

Bé ho, nên giảm ho bằng thảo dược hoặc thuốc giảm ho theo chỉ định của nhân viên y tế. Cho con uống bổ sung nước và điện giải, không tự ý dùng kháng sinh hoặc các thuốc kháng viêm, thuốc khác khi không có chỉ dẫn từ bác sĩ.

Nên cho con mặc quần áo rộng rãi, ở không gian khô thoáng, thường xuyên vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng sạch sẽ. Cho con ăn nhiều bữa trong ngày, tập thể dục nhẹ nhàng, tập các bài tập phục hồi như hít sâu, thở đều.

Bác sĩ Ninh lưu ý: "Cha mẹ cần bình tĩnh để có thể hỗ trợ tâm lý, động viên và trấn an tinh thần cho con". Giúp bé duy trì những nếp sinh hoạt bình thường, tạo điều kiện vui chơi giải trí tại nhà và hướng dẫn con cách hành động để giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Theo Bộ Y tế, 55% trẻ em mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hay tiêu hóa, triệu chứng trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ dưới 12 tháng có nguy cơ cao diễn tiến nặng.

4 mức độ bệnh ở trẻ mắc Covid-19, gồm:

Mức độ nhẹ: Trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng không điển hình như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi.

Nhịp thở trẻ bình thường, không có biểu hiện của thiếu oxy, SpO2 trên 96% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình, bú mẹ, ăn uống bình thường. Chụp X-quang phổi bé bình thường. Tuy nhiên, trẻ có bệnh nền: béo phì, bệnh phổi mãn, suy thận mạn, gan mật, dùng corticoid kéo dài, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh... theo dõi sát vì dễ diễn biến nặng.

Mức độ trung bình: Trẻ có triệu chứng viêm phổi nhưng không có dấu hiệu viêm phổi nặng và rất nặng, SpO2 94 - 95% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, mệt, ăn uống ít hơn. Chụp X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ, thường ở 2 đáy phổi.

Nhóm trẻ này cần được đưa đến viện, có thể dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như oxy gọng kính, dùng thuốc kháng sinh, remdesivir...

Mức độ nặng: Trẻ có một trong các dấu hiệu gồm triệu chứng viêm phổi nặng song chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trẻ thở nhanh kèm co rút ngực hoặc thở rên, phập phồng cánh mũi, khó chịu, quấy khóc, ăn uống khó. SpO2 từ 90 đến dưới 94%. Chụp X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ lan tỏa trên 50% phổi.

Mức độ nguy kịch: Trẻ có các dấu hiệu như suy hô hấp nặng SpO2 dưới 90%, cần đặt nội khí quản. Các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng như tím tái, thở bất thường, rối loạn nhịp thở, ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê, bỏ hoặc không ăn uống được. Trẻ có thể mắc hội chứng suy hô hấp tiến triển, huyết áo tụt, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, hội chứng viêm hệ thống, cơn bão cytokin.

Trẻ nặng và nguy kịch cần điều trị tại ICU, dùng thuốc, hỗ trợ hô hấp theo chỉ định bác sĩ.

Tham khảo máy đo SP02 chính xác nhất tại CHIDO Việt Nam

 
 
 
 
Chat ngay Giỏ hàng Mua Ngay