Theo khuyến cáo từ các bác sĩ tim mạch, bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm và chưa được quan tâm nhiều. Trong khi đó, số người mắc bệnh huyết áp thấp ngày càng gia tăng, chủ yếu là người già và phụ nữ.
1. Huyết áp thấp là bệnh gì?
Huyết áp thấp là bệnh lý xảy ra khi chỉ số huyết áp giảm đột ngột xuống thấp hơn 90/60 mmHg.
Trong cơ thể người, mỗi nhịp tim đập sẽ tạo ra một áp lực lên thành mao mạch để đưa lưu lượng máu đến các bộ phận trong cơ thể. Áp lực này được gọi là huyết áp và được biểu thị bằng một chỉ số huyết áp.
Chỉ số huyết áp bao gồm chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Số đầu tiên là huyết áp tâm thu (số cao hơn) thể hiện áp lực mà tim bạn tạo ra khi bơm máu qua động mạch đến phần còn lại của cơ thể. Số còn lại là áp lực tâm trương, đề cập đến áp lực trong động mạch khi tim bạn ở trạng thái nghỉ giữa các nhịp đập.
Cụ thể, huyết áp thấp hơn 90/60 mmHg có nghĩa là:
- Huyết áp tâm thu từ 90 mmHg trở xuống.
- Huyết áp tâm trương từ 60 mmHg trở xuống.
Bạn có thể gặp phải một số cơn hạ huyết áp xuất hiện thoáng qua, không có triệu chứng và không cần trị liệu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, huyết áp thấp có thể đe dọa đến tính mạng.
Huyết áp có thể thay đổi nhiều lần trong ngày. Hầu hết các tình trạng hạ huyết áp không gây ra triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các cơn hạ huyết áp gây nguy hiểm có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:
- Mang thai: Do nhu cầu sử dụng máu của cả mẹ và thai nhi gia tăng.
- Mất nước: Tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể làm giảm lượng nước trong lòng mạch, gây giảm thể tích tuần hoàn, từ đó gây ra tình trạng huyết áp giảm.
- Mất máu: Các vết thương lớn ngoài da hoặc tình trạng xuất huyết bên trong cơ thể cũng là một nguyên nhân dẫn đến huyết áp giảm.
- Suy dinh dưỡng: Vitamin B12 và Acid folic là một trong những hợp chất quan trọng trong việc sản xuất hồng cầu. Thiếu các chất này khiến cơ thể có thể gặp phải tình trạng thiếu máu, dẫn đến hạ huyết áp.
- Bệnh lý về tim mạch: Một số bệnh tim có thể dẫn đến huyết áp thấp bao gồm nhịp tim chậm, các vấn đề về van tim, đau tim và suy tim.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ làm hạ huyết áp như: thuốc lợi tiểu, thuốc gây tê hay gây mê, Nitrat, một số loại thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc thuốc làm giảm huyết áp như chẹn Beta giao cảm, Nitroglycerit, thuốc chẹn kênh Canxi.
- Hạ huyết áp tư thế: Thay đổi tư thế đột ngột khiến tuần hoàn máu bị đình trệ tạm thời, máu không kịp quay trở lại tim để thực hiện lần tống máu tiếp theo.
- Sốc phản vệ: Là khi cơ thể tiếp xúc với một kháng nguyên lạ như một số loại thuốc, thực phẩm hoặc nọc độc từ các loại côn trùng. Khi gặp tình trạng này, người bệnh có thể gặp một số phản ứng dị ứng như: sốt, nổi mề đay, khó thở… trong đó có hạ huyết áp.
- Một số bệnh lý nội tiết: Tiểu đường, suy tuyến thượng thận, các bệnh tuyến giáp…
- Các cơn ngất, choáng.
Ngoài ra, một số đối tượng có huyết áp thấp mạn tính. Điều này do nguyên nhân cơ địa và di truyền, thường không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
2. Khi nào bệnh nhân huyết áp thấp nên đi khám bác sĩ?
Huyết áp thấp có thể tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan. Nếu xuất hiện một trong những biểu hiện sau, bạn cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế chuyên khoa để thăm khám kịp thời:
- Thường xuyên bị chóng mặt, ngất xỉu.
- Chóng mặt, ngất xỉu kèm theo đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực hoặc khó thở.
- Đau tức ngực và có cảm giác tê bì một nửa cơ thể.
- Phụ nữ có thai có huyết áp thấp trong những tháng đầu thai kỳ.
- Các biến chứng nguy hiểm của bệnh huyết áp thấp
- Nhiều người cho rằng huyết áp cao mới là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
Mặc dù huyết áp thấp không trực tiếp gây ra các biến chứng cấp cứu như tai biến mạch máu não, đột quỵ, vỡ mạch máu… như huyết áp cao, nhưng trên thực tế, huyết áp thấp cũng là nguy hiểm không kém bệnh huyết áp cao, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
3. Cách phòng ngừa bệnh huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể đe dọa tính mạng nếu không được chăm sóc phù hợp. Do đó biện pháp bảo vệ sức khỏe khỏi bệnh huyết áp thấp hiệu quả nhất là phòng ngừa bệnh. Bạn có thể phòng ngừa bệnh huyết áp thấp bằng những cách sau đây:
Chế độ dinh dưỡng
- Nên ăn mặn hơn người bình thường. Người bị huyết áp thấp nên ăn 10-15g muối mỗi ngày.
- Ăn nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, bạn nên chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cần cố gắng hạn chế những thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, nui và bánh mỳ...
- Trong chế độ ăn uống hàng ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. Một số thức ăn đồ uống có tác dụng tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu, nho khô, hạnh nhân, trà cam thảo, gừng rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp thấp.
- Không nên dùng những thức ăn có tính lợi tiểu như: rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô...
- Uống nhiều nước có thể giúp tăng thể tích máu, làm giảm một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây ra huyết áp thấp. Ngoài ra uống nước cũng giúp tránh tình trạng mất nước. Tránh sử dụng đồ uống có cồn.
Về sinh hoạt
- Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc (7-8h/ngày).
- Người bị huyết áp thấp rất hay bị hoa mắt, chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế, vì vậy khi ngồi dậy cần phải từ từ. Nằm ngủ nên gối đầu thấp, chân cao.
- Nên tắm nước nóng để tăng cường lưu thông máu nhưng không được tắm quá lâu.
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể càng làm huyết áp hạ thêm.
- Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng (10 - 15 phút/ngày) như đi bộ, cầu lông, bóng bàn Nên tránh các môn thể thao dễ gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy, điền kinh. Tuy nhiên không nên hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ đang lên cao.
Huyết áp thấp là bệnh lý nguy hiểm tiềm tàng và thường hay bị bỏ qua. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, bạn cần thường xuyên theo dõi sức khỏe định kì, bổ sung thêm kiến thức về bệnh để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Hy vọng bài viết của CHIDO đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh. Nếu như gặp phải các triệu chứng của bệnh huyết áp thấp, bạn hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám và có biện pháp xử lý kịp thời.