Giỏ hàng

Những lưu ý khi sử dụng máy đo nồng độ Oxy SPO2 tại nhà

Việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vì có thể xảy ra sai số trong quá trình thực hiện. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phát thông tin hướng dẫn, lưu ý và cảnh báo việc sử dụng thiết bị đo SpO2 trong quá trình theo dõi Covid-19.

Máy đo Oxy máu SpO2 là một thiết bị y tế, kiểm tra lượng Oxy bão hòa trong máu và nhịp tim của người bệnh thông qua ngón tay trỏ hoặc ngón giữa. Chỉ số Oxy hóa máu tốt là rất cần thiết vì cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Nếu giá trị SpO2 xuống dưới 95%, đây là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng máu thiếu oxy.

Theo HCDC, máy SpO2 hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khỏe, giúp bệnh nhân Covid-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu ôxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường.

* Chỉ số SpO2 là gì?

SpO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen – độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Hiểu một cách khác, SpO2 là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu. Hemoglobin là một protein được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu, quyết định màu đỏ của hồng cầu.

Chỉ số SpO2 có thể được đo bằng phép đo xung – một phương pháp gián tiếp, không xâm lấn (không đưa các dụng cụ vào trong cơ thể). Nó hoạt động bằng cách phát ra và tự hấp thu một làn sóng ánh sáng đi qua các mạch máu hoặc mao mạch trong đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc dái tai. Sự thay đổi của sóng ánh sáng xuyên qua ngón tay, ngón chân hoặc dái tai sẽ cho biết kết quả của phép đo SpO2 vì mức độ oxy bão hòa gây ra các biến đổi về màu sắc của máu.

* Chỉ số SpO2 bao nhiêu là bình thường?
Độ bão hòa ô-xy trong máu ≥ 94 % – là tình trạng oxy trong máu được coi là bình thường. Ngoài ra, bạn cũng nên biết thêm về các mức độ của chỉ số SpO2 để có thể chủ động theo dõi sức khỏe:

– SpO2 từ 97% – 99%: Chỉ số oxy trong máu tốt.
– SpO2 từ 94% – 96%: Chỉ số oxy trong máu trung bình, cần thở thêm oxy
– SpO2 từ 90% – 93%: Chỉ số oxy trong máu thấp, cần tham khảo ý kiến của bác sỹ
– SpO2 thấp hơn 90% là một ca cấp cứu trên lâm sàng.

* Cách bước sử dụng thiết bị đo SpO2:
– Xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2
– Để cố định bàn tay lên trên mặt bàn
– Khi đo cố gắng không cử động trong vòng 1 phút để kết quả được chính xác hơn

* Yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2:
Trên thực tế chỉ số SpO2 đo được sẽ không chính xác hoàn toàn 100% mà sẽ bị ảnh hưởng bởi 1 số yếu tố dưới đây:
– Người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp
– Người bệnh cử động nhiều.
– Đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp
– Người được đo SpO2 có sơn móng tay

* Triệu chứng khi chỉ số SpO2 giảm
Tình trạng giảm chỉ số SpO2 (còn gọi là thiếu oxy trong máu) gây ra một số triệu chứng sau:
– Thay đổi về màu sắc của da;
– Suy giảm trí nhớ, hay nhầm lẫn;
– Ho;
– Nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm;
– Khó thở, thở nhanh, thở khò khè.

* Tại sao phải thường xuyên theo dõi chỉ số SpO2?
SpO2 là một trong 5 dấu hiệu sinh tồn của con người. Khi cơ thể bạn không có đủ oxy, bạn có thể bị thiếu oxy hoặc thiếu oxy máu. Đây là những điều kiện nguy hiểm. Khi cơ thể không đủ oxy, gây thiếu oxy máu (hạ chỉ số SpO2) là tình trạng rất nguy hiểm. Nguyên nhân là vì nếu máu thiếu oxy, não, gan và nhiều cơ quan khác trên cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc nắm rõ lượng oxy trong máu, có phương án xử lý kịp thời khi gặp tình trạng nguy hiểm.

Tham khảo nguồn: BVQY 175/HCDC

Từ khóa