Thời điểm đo huyết áp chính xác nhất trong ngày

Huyết áp là một trong những thông số cơ bản phản ánh tình trạng sức khỏe. Ngày nay, với sự phổ biến các dụng cụ điện tử giúp đo huyết áp tại nhà, mọi người đều có thể tự theo dõi huyết áp cho chính mình và người thân. Tuy nhiên, diễn biến huyết áp trong ngày như thế nào, đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất,... là những vấn đề không phải ai cũng hiểu rõ.

1. Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực máu trong động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của mạch máu.

Khi đo huyết áp, nhất là với máy điện tử, chúng ta thường thấy hiện lên hai chỉ số là huyết áp tối đa (hay còn gọi là huyết áp tâm thu) và huyết áp tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm trương).

 


Theo hướng dẫn của Hiệp hội tăng huyết áp quốc tế (ISH) chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên theo các bước trong quy trình chẩn đoán chuẩn. Nếu chỉ số huyết áp của chúng ta luôn thấp hơn 90/60 mmHg thì được xem là huyết áp thấp. Như vậy, huyết áp tâm thu của chúng ta dao động trong khoảng 90 đến 140 mmHg, huyết áp tâm trương dao động trong khoảng 60 đến 90 mmHg thì được xem là bình thường.

Thử sức cùng Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.

2. Diễn biến huyết áp trong ngày như thế nào?

Huyết áp là một chỉ số phản ánh trạng thái cân bằng động học của các quá trình sinh lý trong cơ thể. Chính vì thế, huyết áp của chúng ta không phải luôn ổn định hay giữ cùng một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta ngay tại thời điểm đó. Chỉ cần một hoạt động nhỏ như thay đổi vị trí, tư thế, uống cà phê hay hút thuốc lá, bị xúc động... cũng sẽ làm huyết áp tăng lên.

Thông thường, huyết áp sẽ có khuynh hướng cao hơn vào buổi sáng và thấp hơn vào buổi tối. Đỉnh thấp nhất (SBP/DBP mmHg < 120 và/ hoặc < 70) thường rơi vào lúc chúng ta ngủ sâu nhất. Trong khi đó, chỉ số cao nhất của huyết áp lại đánh dấu nhiều đỉnh khác nhau, đó là mỗi khi chúng ta hoạt động gắng sức hay suy nghĩ, căng thẳng, và sau đó cơ thể sẽ điều chỉnh về trạng thái cân bằng. Nếu cơ thể không có khả năng này, huyết áp luôn ở mức cao hay mức thấp, đó là tình trạng bệnh lý thực sự.

3. Đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất?

Chính vì huyết áp thường xuyên dao động nên những kiến thức về thời điểm đo huyết áp là vô cùng cần thiết. Từ đó, để kết luận chúng ta có bị tăng huyết áp hay không, hay huyết áp thấp hay huyết áp bình thường thì cần phải căn cứ vào trị số huyết áp của nhiều ngày, nhiều thời điểm khác nhau trong một ngày. Hiểu và nhớ các mốc thời gian đó, ghi lại chỉ số huyết áp, bao gồm cả huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương, nhịp tim trong một cuốn nhật ký sẽ giúp việc theo dõi sức khỏe tại nhà được thuận tiện hơn.

Việc đo huyết áp tại nhà thường được khuyên nên thực hiện vào buổi sáng khi mới thức dậy và trước khi bước ra khỏi giường. Nếu được yêu cầu theo dõi huyết áp nhiều lần trong ngày, nên chọn các thời điểm cố định, dễ nhớ và cũng dễ có căn cứ so sánh. Tuy nhiên, các lần đo đều thực hiện sau khi cơ thể đã được nghỉ ngơi ít nhất 3-5 phút với tinh thần hoàn toàn thoải mái., không nói chuyện trong và giữa các lần đo huyết áp. Tuyệt đối không đo huyết áp sau bữa ăn no hay lúc quá đói, quá mệt, đang buồn tiểu, sau khi hút thuốc hoặc uống cà phê hoặc đang trong tình trạng căng thẳng, nóng giận.

Đo huyết áp có thể thực hiện khi ngồi lẫn khi nằm với tư thế thoải mái và điều kiện là vị trí đặt máy đo trên bắp tay hay trên cổ tay ngang với tim. Lúc này, người bệnh nên ngồi ghế có tựa, tay đặt trên bàn hay nằm ngửa, tay để xuôi theo thân mình; đồng thời, không mặc quần áo quá bó hay quá chật dễ khiến huyết áp tăng giả tạo. Tốt nhất đo liên tiếp 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 phút và lấy con số trung bình giữa 2 lần đo cuối. Đo cùng lúc hai tay và chọn tay có chỉ số huyết áp cao hơn.

Nếu biết tự đo huyết áp tại nhà một cách chuẩn xác, chỉ số đó sẽ có giá trị tin tưởng cao hơn trong chẩn đoán tăng huyết áp và theo dõi điều trị về lâu dài. Bởi lẽ, khi người bệnh đi khám tại phòng khám, bệnh viện, chỉ số huyết áp đo được tại đây thường có khuynh hướng cao hơn tại nhà. Đó là hệ quả của hiện tượng tăng huyết áp áo choàng trắng. Điều này được lý giải là khi tiếp xúc với các nhân viên y tế, màu áo blouse trắng thường khiến bệnh nhân lo âu, căng thẳng nên khiến huyết áp tăng hơn bình thường. Trong trường hợp ngược lại, nếu đo huyết áp tại nhà cao hơn tại phòng khám, cần nghi ngờ hiện tượng tăng huyết áp giấu mặt. Điều này rất nguy hiểm vì dễ bỏ sót chẩn đoán, dễ mắc biến chứng khi huyết áp cao đột ngột. Do đó, trong cả hai trường hợp, giải pháp cần đặt ra là đo Holter huyết áp. Máy sẽ gắn vào bắp tay và ghi nhận huyết áp mỗi 30 phút đến 1 giờ trong suốt 24 giờ. Kết quả trả về sẽ là một biểu đồ dao động huyết áp trong ngày, cho phép xác định tình trạng huyết áp được chính xác hơn.

Nói tóm lại, hiểu biết về mối nguy hiểm của các bệnh lý huyết áp cũng như biết các thời điểm đo huyết áp trong ngày là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe toàn diện. Từ đó, sự phối hợp, hợp tác và thái độ tuân thủ điều trị cùng bác sĩ sẽ giúp kiểm soát huyết áp ổn định cho chính bản thân mình và những người thân yêu.

Chat ngay Giỏ hàng Mua Ngay