5 Lưu ý quan trọng đối với bệnh nhân cao huyết áp
Phần lớn người bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng, các triệu chứng thường nhẹ và mơ hồ có thể gặp ở nhiều bệnh khác, do đó tăng huyết áp được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”.
Trên thực tế có tới 90 – 95% trường hợp tăng huyết áp chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân được xem là cao huyết áp khi chỉ số huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/ hoặc chỉ số huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Bệnh này thường gặp ở người cao tuổi gây mức ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với sức khỏe. Dưới đây là những điều cần biết đối với chứng bệnh nguy hiểm này.
1. Giữ ấm cơ thể
Thời tiết lạnh là yếu tố rất bất lợi đối với đối với người mắc bệnh tăng huyết áp. Do đó, người bị huyết áp cao cần phải biết giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim
Người bị bệnh huyết áp tăng không nên thức dậy quá sớm, theo thống kê có rất nhiều cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim vào buổi sáng ở những người cao tuổi, người có thói quen tập thể dục sáng sớm . Bởi sau một đêm, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm, khi bước ra ngoài gặp gió lạnh khiến huyết áp tăng cao là nguyên nhân gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim
2. Thận trọng khi dùng thuốc
* Không nên tự ý tăng – giảm hoặc ngưng dùng thuốc: việc tự điều chỉnh liều dùng là vô cùng nguy hiểm. Nhiều người bệnh sau khi dùng thuốc điều trị gặp phải các tác dụng phụ của thuốc hay khi thấy huyết áp đã trở về mức bình thường thì tự ý giảm liều dùng, thậm chí là ngưng sử dụng thuốc. Thế nhưng, khi uống thuốc không đủ liều hay không uống thuốc, huyết áp có thể đột ngột tăng cao, gây ra đột quỵ. Thêm vào đó, có những bệnh nhân uống thuốc mãi mà huyết áp vẫn cao nên đã tự ý tăng liều, uống thuốc quá liều có thể làm tăng nguy cơ khiến người bệnh bị tác dụng phụ của thuốc như ho, khó thở, mất ngủ…hay bị tụt huyết áp quá mức, thậm chí có thể gây trụy mạch, nguy hiểm đến tính mạng.
* Tuân thủ việc uống thuốc: Việc tuân thủ giờ uống thuốc là điều quan trọng trong việc điều trị cao huyết áp, Cách uống thuốc theo “ tùy tiện”, nhớ lúc nào uống lúc đó không những không mang lại hiệu quả điều trị mà còn khiến cho người bệnh “uống thuốc như không”.
3. Chế độ dinh dưỡng
Giảm cân nặng nếu người bệnh đang thừa cân. Duy trì chế độ ăn nhạt, dưới 6g muối/ ngày. Ăn nhiều thực phẩm giàu kali như cà chua, chuối, đu đủ, đậu xanh, mè đen, rau ngót, rau dền… Không ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật hay các đồ ăn nhanh, đồ ăn ướp muối nhiều ngày như dưa cà muối, mắm tôm, mắm tép… Đặc biệt nói không với bia rượu, thuốc lá. Nên uống 1 cốc nước ấm đầy ( có thể thêm chút mật ong ) và mỗi sáng.
Đối với người lớn tuổi, nếu có hiện tượng tăng cân đột ngột phải đi xét nghiệm, kiểm tra bệnh lý đái tháo đường.
4. Chế độ vận động:
Cần duy trì luyện tập đều đặn từ 30phút trở lên mỗi ngày các môn thể thao phù hợp với sức của mình như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội…
5. Sử dụng tốt máy đo huyết áp cá nhân
Tự đo huyết áp là đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân có sự thay đổi thất thường về huyết áp
* Cách đo huyết áp chính xác:
+ Thời điểm đo: các buổi sáng, từ lúc dậy đến khi ăn sáng trước lúc uống thuốc và buổi tối trước khi đi ngủ, trước khi dùng thuốc.
+ Quy tắc đo: sau khi ngồi nghỉ 1 phút, đặt máy đo lên cổ tay, gập cánh tay để di chuyển cổ tay ngang tầm với tim. Áp dụng quy tắc bộ ba, đo 3 lần mỗi sáng và 3 lần mỗi tối, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 phút trong 3 ngày liên tiếp, lưu ý ghi rõ kết quả đo kèm theo ngày, thời gian và thuốc đang dùng. Đưa các số liệu này cho bác sĩ xem khi đi khám.
>>> Mua máy đo huyết áp chính hãng tại đây